Du lịch Pắc Bó
DỰ ÁN: "ĐẦU TƯ KHU DU LỊCH VỀ NGUỒN LỊCH SỬ VÀ SINH THÁI TẠI PẮC BÓ - CAO BẰNG"
Tỉnh Cao Bằng được giới hạn trong tọa độ địa lý từ 22021'21" đến 23007'12" vĩ độ Bắc và từ 105016'15 kinh độ Đông với tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.703,42 km2. Phía Bắc và phía Đông giáp tỉnh Quảng Tây nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với đường biên giới dài hơn 333km; Phía Nam giáp tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Lạng Sơn; Phía Tây giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang. Trung tâm tỉnh là Thành phố Cao Bằng cách thủ đô Hà Nội 286 km theo đường Quốc lộ 3, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 130 km theo đường Quốc lộ 4A.
Đến với Cao Bằng người ta sẽ thật sự trở về với thiên nhiên, trở về với núi non, sông suối, với huyền thoại người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh. Tên Người gắn liền với lịch sử hoạt động kháng chiến trường kỳ, những năm tháng lãnh đạo gian khổ để đưa cuộc cách mạng dân tộc tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Cao Bằng có nhiều tiềm năng về du lịch cả tự nhiên và nhân văn với những di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng như di tích Pắc Bó, Lam Sơn, khu rừng Trần Hưng Đạo, khu di tích lịch sử Đông Khê, thác Bản Dốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, ….và các cửa khẩu. Ngoài ra Tỉnh còn có nhiều dân tộc sinh sống với truyền thống văn hóa lâu đời, lễ hội đa dạng, độc đáo sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Đặc biệt Khu di tích lịch sử Pắc Bó là điểm nhấn thiêng liêng cả về lịch sử và cảnh quan, là điểm không thể bỏ qua khi tới Cao Bằng. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của khu di tích, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Pắc Bó là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Di tích lịch sử Pác Bó
Nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cụm di tích là địa điểm từng gắn với hoạt động của Bác trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng những năm 1941 – 1945.
Đầu năm 1941 Bác Hồ cùng một số đồng chí đã vượt qua biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc ở cột mốc 108 để về nước và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Ban đầu Bác Hồ nghỉ tại nhà ông Lý Quốc Súng, sau đó để đảm bảo sự an toàn và bí mật Bác đã quyết định chuyển vào hang Cốc Bó, hang Lũng Lạn và lán Khuổi Nặm. Tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiên quan trọng của Đảng và Nhà Nước.
Những địa danh trong cụm di tích:
+ Hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là "đầu nguồn") rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ một người đi vừa. Đây là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 08/02/1941 đến trung tuần tháng 3 năm 1941. Trong hang hiện còn một bộ bàn ghế mà Bác đã từng ngồi làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch các tài liệu quan trọng.
+ Nền nhà ông Lý Quốc Súng: là ngôi nhà Bác Hồ đã ở khi mới trở về Tổ quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28 tháng 01 đến ngày 07/02/1941). Ngôi nhà này được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn ở địa phương.
+ Hang Lũng Lạn: là nơi Bác ở và làm việc trong khoảng cuối tháng 3 năm 1941. Hang rộng khoảng 50m2.
+ Hang Ngườm Vài: tại đây, năm 1941, Bác trực tiếp dự và hướng dẫn và kết nạp Đảng cho đồng chí Nông Thị Trưng. Hang rộng khoảng 80m2.
+ Suối Lê Nin: thời gian ở Pác Bó, Bác thường ngồi câu cá ở suối này. Đến nay, di tích vẫn giữ được cảnh quan tương đối nguyên vẹn.
+ Nền nhà ông La Thanh: là cơ sở cách mạng quan trọng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây là nơi đón tiếp các đại biểu toàn quốc về dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hiện nay, di tích chỉ còn lại nền nhà cũ, diện tích rộng 131m2, đã được cắm bia giới thiệu di tích.
+ Cột mốc 108: nay là cột mốc số 675, là một trong 314 cột mốc biên giới Việt – Trung xưa, được làm bằng đá tảng nguyên khối, hình bầu dục, cao khoảng 70cm, bên trên khắc nội dung bằng tiếng Trung và tiếng Pháp.
+ Khu ruộng Goọc Mu: vốn là một xóm trong thôn Pác Bó; sau khi thực hiện chính sách quy hoạch lại khu cư trú để thành lập hợp tác xã nông nghiệp, xóm Goọc Mu được chuyển về trung tâm Pác Bó. Tại địa điểm Goọc Mu, năm 1940, nhân dân thôn Pác Bó đã từng vào đây cắt máu ăn thề, nguyện suốt đời đi theo cách mạng.
+ Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và sân quảng trường: được xây dựng theo mô hình nhà sàn dân tộc, nằm trên dãy Linh Sơn, thuộc khu di tích Pác Bó, khánh thành năm 2011
+ Khu ruộng Nà Chang: có diện tích khoảng 5000m2, là nơi mít tinh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với nhân dân Pác Bó ngày 20/2/1961.
+ Mộ Kim Đồng: nằm dưới chân núi Tèo Lài, thuộc làng Nà Mạ. Hiện nay, toàn bộ khu vực này được xây tường rào bao quanh. Bên trái mộ Kim Đồng là mộ của mẹ Kim Đồng, phía sau là tượng đài Kim Đồng và bức tường nghệ thuật, thể hiện ý nghĩa 14 mùa xuân của Kim Đồng.
+ Hang Nộc Én: nằm ở dãy núi Phia Đài và Phia U, phía sau làng Nà Mạ. Tại địa điểm này, vào tháng 8 năm 1942, Kim Đồng đã được Bác giao nhiệm vụ thông tin liên lạc, bảo vệ cách mạng.
+ Pò Đoi – Thoong Mạ: là nơi thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc (ngày 15/5/1941), do Kim Đồng là đội trưởng. Hiện nay, di tích đã được Tỉnh Đoàn Cao Bằng xây dựng nhà bia lưu niệm, ghi dấu sự kiện thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc và ghi danh những thành viên trong đội.
+ Nhà ông Dương Văn Đình: là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nói chuyện, về cuộc sống của nhân dân, nỗi khổ của người dân mất nước, tuyên truyền về cách mạng.
+ Núi Các Mác, suối Lê Nin, hang Đầu Hổ: là nơi nhân dân Cao Bằng đã tổ chức lễ truy điệu Bác (tháng 9 năm 1969).
+ Lán Khuổi Nặm: là nơi Bác ở lâu nhất. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho Bác, các đồng chí cán bộ đã làm thêm cho Người hai lán nữa (lán Khuổi Nặm II và III). Lán Khuổi Nặm có địa thế rất thuận lợi, nằm ngay ở cửa rừng, được che kín, nhìn bên ngoài vào không phát hiện được, nhưng ở bên trong quan sát ra thì rất rõ, khi có động tĩnh có thể rút lui, ngược dòng Khuổi Nặm qua mốc 109 sang Trung Quốc an toàn. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn dân tộc, với 2 gian nhỏ, có diện tích khoảng 12m2. Lán hiện nay mới được trùng tu lại trong khoảng thời gian gần đây.
+ Hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu: là địa điểm được Bác sử dụng làm hòm thư bí mật, giai đoạn 1941 – 1945.
Nhận thấy tiềm năng du lịch rộng mở tại khu di tích lịch sử Pắc Bó, Công ty Cổ phần điện tử tin học viễn thông đã xây dựng dự án "ĐẦU TƯ KHU DU LỊCH VỀ NGUỒN LỊCH SỬ VÀ SINH THÁI TẠI PẮC BÓ - CAO BẰNG" nhằm giữ gìn, phát huy truyền thông uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam với vị Lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh nói chung và mảnh đất Cao Bằng – Cái nôi của cách mạng Việt Nam nói riêng.
Với diện tích 8,2ha và số vốn đầu tư ban đầu là 63-65 tỷ đồng, Công ty Cổ phần điện tử tin học viễn thông đã đầu tư dự án bao gồm các hạng mục: Khu nhà trưng bày hiện vật lịch sử, khu sân khấu văn hóa, khu bảo tồn biểu diễn văn hóa các dân tộc Tỉnh Cao Bằng, hệ thống khách sạn bao gồm khu nhà sàn VIP, khu nghỉ khách đoàn và các dịch vụ giải trí khác…với thiết kế hiện đại, mới lạ, đặc sắc nhưng không phá vỡ không gian tôn nghiêm của tổng thể di tích chắc chắn sẽ nâng cao giá trị lịch sử của khu di tích Pắc Bó đồng thời thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, lưu trú để tìm hiểu về lịch sử cách mạng Việt Nam qua thời kỳ khai sinh và Tỉnh Cao Bằng ngày nay.
+ Dịch vụ xe điện Pác Pó:
NHANH CHÓNG - NHIỆT TÌNH - CHU ĐÁO - MỚI LẠ
Xe điện EG xin hân hạnh được phục vụ
Với đoàn xe các loại từ: 8 – 11 – 14 chỗ đẹp – thân thiện với môi trường !
Điện thoại: 0936.990.379
Quay lại trang trước